Phân Loại Tarot Trong Lịch Sử


1. Giới Thiệu


Bài nghiên cứu này nhằm phân loại và tổng hợp về các nhóm bộ Tarot trong lịch sử cũng như hiện đại.  Sự phân loại này mang tính chất cá nhân theo những nghiên cứu mà tôi có được. Sự ân loại có thể trùng hoặc không trùng, thậm chí trái ngược với các bản phân loại Tarot khác. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Đặc điểm của từng bộ này sẽ được mô tả kỹ lưỡng và nghiên cứu trong các bài khác.

Chú ý: các bộ này có thể không hoàn toàn giống với bộ Tarot hiện tại. Nó có thể có nhiều hơn hoặc ít hơn. Bộ Tarot hiện tại là một trong các thay đổi theo thời kỳ của lịch sử Tarot.

2. Phân Loại

Nhóm Tarot Visconti-Sforza hay nhóm Tiền Tarot:

Nhóm này gồm khoảng 15 bộ bài được sưu tập rải rác. Đa số các bộ đều chỉ được giữ lại vài lá. Bộ đầy đủ nhất cũng thiếu mất 6 lá. Bộ này 78 lá. Các hình vẽ trong các bộ này làm hoàn toàn bằng thủ công và sản suất với số lượng cực kỳ ít. Các bộ này xuất xứ chủ yếu từ Milan, và được các gia đình quý tộc Visconti và Sfroza đặt làm. Hai gia đình này cai trị Milan suốt trong thế kỷ 13 đến 15. Các hình vẽ trên các bộ này khác nhau, tuy mang đặc điểm chung thống nhất. Đây được xem là nguồn gốc cơ bản của bộ bài Tarot bói.

Bộ Pierpont-Morgan Bergamo còn được gọi là Colleoni-Baglioni và Francesco Sforza: bộ này được xem là khá đầy đủ. Được sản suất năm 1451. Hiện nay còn giữ được 74 lá. Thư viện Pierpont-Morgan in New York còn giữ 35 lá, Thư viện Accademia Carrara  giữ được 26 lá, 13 lá còn lại nằm trong các bộ sưu tập cá nhân giấu tên của dòng họ Colleoni ở Bergamo. Tên của bộ bài này đặt theo tên của các bộ sưu tập. Bộ này gồm 20 lá hình, 15 lá mặt, 39 lá số, nó thiếu lá Devil và Town.

Bộ Brera-Brambilla: bộ này đặt theo tên của nhà sưu tập Giovanni Brambilla, sau đó được chuyển nhượng cho phòng trưng bày Brela. Bộ này được đặt làm bởi Francesco Sforza do Bonifacio Bembo thực hiện vào năm 1463. Bộ gồm 48 lá trong đó chỉ có 2 lá hình là Emperor và Fortune. Nó có đến 7 loại lá mặt: Knight và Jack dạng cups; Knight và Jack dạng denari; Knight, Jack và Queen dạng bastoni.

Bộ Cary-Yale: được biết với tên Visconti di Modrone, bộ này thuộc bộ sưu tập Dòng Họ Cary được quyên cho đại học Yale, được xuất xưởng năm 1466. Bộ này có lẽ do Filippo Maria Visconti đặt làm. Bộ này có tới 6 loại lá mặt: ngoài King, Queen, Knight và Jack, thì nó còn thêm Lady và Damsel. Bộ này giữ được 67 lá gồm 11 lá hình, 17 lá mặt, và 39 lá số.

Nhóm Tarot De Marseille:

Nhóm này là tiền thân của hệ thống tiên tri bằng Tarot tại châu Âu. Các bộ bài này được xem là kinh điển nhất cho các bộ tarot phong cách Pháp. Nó được xem như một trong những bộ bài chuẩn cho việc bói toán. Các dẫn chứng ở sách Gebelin, Esteilla, hay Levi đều sử dụng bộ bài này. Lịch sử của bộ bài Tarot này được xem như là lịch sử của Tarot nói chung và lịch sử tiên tri bằng Tarot từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19. Từ thế kỷ 19, sự phát triển của hệ thống bài Tarot của nhóm Anh ngữ do Golden Dawn dẫn đầu đã tước đi sự vinh quang của nước Pháp trong việc tiên tri bằng Tarot. 

Các bộ bài giới thiệu sau đây là một vài bộ bài Tarot de Marseille chuẩn, nó y hệt các bộ bài Tarot hiện tại, vì vậy tôi chủ yếu giới thiệu xuất xứ chứ không đi sâu vào chi tiết.

Bộ Tarot de Suzanne Bernardin: do nhà nữ tiên tri Suzanne Bernardin truyền bá và sử dụng. Bộ bài này rải rác ở các bộ sưu tập cá nhân trên thế giới.

Bộ Tarot de Besançon: có kết cấu y hệt Tarot de Marseille trừ vài sự thay thế đo vấn đề tôn giáo. Pope thay bởi Jupiter, Popess thay bởi Juno, Angel thay bởi Judgement,  Tower thay bởi House of God. Tên của bộ bài là tên vùng đất mà đã sản xuất ra nó.

Bộ Tarot de Blanche: là một dạng Tarot de Besançon. Bộ này do Thị trưởng  J. Blanche vùng Cartier Renault. Ông cũng là người sản xuất bộ  Tarot de Jœrger (Jerger) ở vùng Besançon. Bộ này thường được dùng ở vùng Renault và lân cận.

Bộ Tarot de Lequart signé Arnoult : nó là Tarot de Besançon nhưng xuất hiện năm 1748, được sử dụng tại các vùng lân cận của Paris (Cartier de Paris).

Bộ Tarot de Nicolas Conver: sản xuất năm 1760, do Conver khắc và ấn hành. Có thể nói là bản hoàn chỉnh và còn lưu giữ tốt đến ngày nay.

Bộ Tarot de François Chosson: xuất xưởng vào 1672 dù có thể đã ra đời sớm hơn. Chosson là nhà điêu khắc bộ tarot này. Đây có lẽ là bộ tarot chuẩn mực đầu tiên được thực hiện ở Marseille.

Bộ Ancien Tarot de Marseillephổ biến bởi Paul Marteau, người được giao quyền để cho ra thị trường một Tarot chuẩn dùng để bói toán "Tarot de Marseille" vào năm 1930. Và là bản được lưu hành hiện nay. 

Bộ Tarot de Paris: bao gồm 3 bộ : một của một người vô danh (tạo ra trong đầuthế kỷ XVII), đây là bộ Tarot lâu đời thứ hai mà người ta vẫn cònbảo quản toàn bộ với 78 lá, sau đó là bộ Tarot de John Noble ( chỉ mấtbốn lá bài của loạt các thanh kiếm số VI đến X) và cuối cùng là bộ của Tarot de Jacques Viéville (còn được bảo quản đủ tất cả 78 lá bài), sản xuất vào năm 1650. 

Bộ Tarocco Piemontese: là bộ bài có nguồn gốc Ý và có kết cấu gần với bộ Tarot de Marseille. Tên bộ bài này được đặt theo tên của vùng đất của Ý đã khai sinh nó.

Bộ Swiss Tarot JJ  hay Troccas: sự thay thế tương tự bộ của Tarot de Besançon nhưng sự thay thế được diễn ra ở Thụy Sĩ và được thay thế bằng tiếng Pháp.

Nhóm Tiertarock hay Animal Tarot :

Nhóm này là một số ít bộ bài thay thế các hình ảnh trong các lá hình bằng các hình ảnh con vật, theo phong cách Đức vào thế kỷ 18. Chủ yếu được vẽ bởi  Göbl of Munich. Một số cái tên được nhắc đến như các bộ bài : Bavarian Animal Taro, Belgium Animal Tarot và sau đó là Austria Animal Tarot và bộ bài Adler Cego. Các bộ bài này hầu như không được xem xét ở khía cạnh bói toán, vì vậy tôi không đề cập đến quá nhiều. Một vài cái tên khác như Tarocchi di Alan, Tarot of Reincarnation và  Tarot de la Nature.

Nhóm Tarot Italy - Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha :

Nhóm này là sự kế thừa và phát triển của Tarot ở Ý. Mối quan hệ qua lại ảnh hưởng giữa các bộ Tarot của Pháp và Ý chưa được nghiên cứu rõ ràng. Tuy nhiên, các biểu tượng này có thể bị thay thế và kế thừa ở cả 2 nước. Các bộ này được xem như cổ nhất ở Ý và có mối quan hệ mật thiết với Tarot bói bài, chúng chủ yếu xuất hiện ở thế kỷ 15. Nhóm này cũng bao gồm các nhóm Tarot khác Tarot de Marseille tồn tại ở châu Âu cùng thời kỳ. Các bộ này bao gồm các bộ có số lượng lá bài khác 78.

Bộ Tarocco Bolognese: gồm 62 lá trong đó lá số chỉ từ số 2 đến 5. Các lá hình cũng khác, và có sự tráo trộn giữa các lá bài cũng như giá trị của nó. Bộ bài này lưu hành ở Bồ Đào Nha

Bộ Tarocco Siciliano: gồm 64 lá, trong đó lá hình bị đổi một ít, lá số 21 thay bằng Miseria (Destitution). Lá số của 2 và 3 mang dạng Coins, còn lá số của 1 và 4 mang batons, swords và cups. Bộ này lưu hành ở đảo Sicile

Bộ Mantegna Tarocchi hay Baldini Cards: gồm 2 bộ khác nhau do 2 nghệ sĩ  Andrea Mantegna  và Baccio Baldini vẽ. Thường được gọi là S Series và E Series xuất hiện nữa đầu thế kỷ 15. Tên và sự nghiệp của 2 họa sĩ tài danh này vẫn là bí ẩn. Theo Ferrara thì thời gian suất hiện của 2 bộ Tarot này là 1465 (E-series) và 1470-5 (S-series). Các cấu trúc của 2bộ này được nhiều người nghiên cứu. Tuy nhiên vẫn chưa có kết quả. Bộ này gồm 50 lá bài.

Bộ Trappola: xuất hiện tại Venice vào thế kỷ 16. Những cái tên khác của nó như rapulka, Bulka hay Hundertspiel xuất hiện muộn hơn vào thế kỷ 20. Đây có thể xem là sự kế thừa phong cách Ý tại Venice. Tuy nhiên nó không tồn tại các lá hình. Bộ này lưu hành chủ yếu vùng Venice. Bộ này 36 lá bài.

Bộ Minchiate: xuất hiện tại Florence vào thế kỷ 15. Nó gồm 40 lá hình so với 21 lá ở Tarot hiện đại. Một số kế thừa, một số hoàn toàn khác biệt. Các lá số giữ nguyên như bộ Tarot, nhưng 4 ký hiệu thì khác. Các lá hình cũng có ý nghĩa khác khá nhiều. Bộ này lưu hành ở Florence. Bộ này gồm 96 lá bài.

Nhóm Tarot de Golden Dawn :

Nhóm này phát xuất từ bộ Tarot de Marseille. Sau đó nó được các thành viên hội kín Golden Dawn sửa chữ và làm mới. Có thể nói , đây là bộ bài bói toán thật sự và hoàn toàn không còn tính chất của trò chơi nữa. Đặc điểm của bộ bài này là các hình vẽ biểu trưng cao.

Nhóm này cũng đại diện cho các hội kín thần bí ở thời kỳ này như O.T.O , Thập tự hoa hồng (Rose Croix), và các khuynh hướng sử dụng tâm lý học và huyền học khác.

Người ta còn nghi ngờ sự liên hệ giữa các hội kín này và hội kín Tam Điểm. Điều này không phải là không có lý khi quá nửa thành viên của hội cũng đồng thời là thành viên của Tam Điểm. Hội này vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc và thậm chí công khai khuynh hướng công khai khuynh hướng chính trị cũng như tôn giáo. 

Các biểu tượng tiên tri được đưa vào hội như thành phần quan trọng nhất. Và Tarot hiển nhiên được xem như phần có tính linh thiên nhất. Các thuật ngữ và nội dung bói toán bằng Tarot chủ yếu được tham chiếu từ hội này. Các từ như Arcana, Minor, Major, Livre de Thot cũng được các thành viên nhóm này đề xuất. Mỗi lá bài của nhóm này được xem như một bức tranh ám tưởng để tạo phù phép khiến nó trở nên hấp dẫn với hầu hết dân chúng thế kỷ này.

Bộ Golden Dawn Tarot : do nhà huyền học S.L. MacGregor Mathers xây dựng và đề xuất. Được xem như bộ bài kinh điển và chính quy được dùng tại các buổi lễ của Hội Kín. Dù vậy nó lại không nổi tiếng và được đánh giá là kém cỏi bởi các nhà huyền học sau này. Tuy nhiên cần phải biết là Mathers rất nổi tiếng và là người sáng lập hội, ông cũng là một nhà nghiên cứu huyền học nổi bật nhất vào thế kỷ này. Bộ này mang ảnh hưởng khá lớn của Ai Cập học, vì vậy được đanh giá là khó hiểu và quá mơ hồ so với bộ Rider-Waite Tarot mang tính chất châu âu và Tam Điểm rõ rệt. Ông là thành viên cao cấp của hội Tam Điểm.

Bộ Rider-Waite-Smith: còn gọi là Rider-WaiteWaite-Smith, Waite-Colman Smith, hay Rider Tarot đề xuất. Bộ bài được vẽ bởi Pamela Colman Smith dưới sự hướng dẫn về huyền học của nhà thần bí A. E. Waite, xuất bản bởi công ty  Rider Company. Nó là bộ bài được dùng phổ biến nhất tại khối Anh ngữ ( so với sự nổi tiếng của Tarot de Marseille của khối Châu Âu). Vì sự phổ biến vủa văn hóa Anh-Mỹ mà đôi khi người ta xem nó là phổ biến toàn thế giới, dù điều này không phải hoàn toàn đúng. Đa số các nhà huyền học tại châu âu đều sử dụng hay tham chiếu đến bộ Tarot de Marseille chứ không phải bộ Rider.

Waite cũng là thành viên cao cấp của Hội Tam Điểm. Bộ Tarot này vừa mang tính chất biểu tượng đơn giản của Pháp, vừa mang ý nghĩa biểu tượng học của Hội Tam Điểm. Cùng thời kỳ này, hội Tam Điểm đang là một trong các phong trào và hội kín lớn có nhiều ảnh hưởng tại không chỉ châu âu mà còn tại khắp thế giới. Vì vậy, sự phổ biến của bộ Tarot này có thể hiểu được. Bộ bài này xây dựng dựa trên ảnh hưởng của thần học Kabala ( Hermetic Kabbalah ) chứ không phải từ Ai Cập Học.

Bộ Thoth Tarot hay Crowley-Harris : vẽ bởi Lady Frieda Harris với sự dẫn dắt của nhà huyền học Aleister Crowley. Bộ bài này lấy ảnh hưởng từ Sách Thot (Book of Thot) và ảnh hưởng từ Do Thái Giáo. Ông cũng là một người có ảnh hưởng lớn trong hội Golden Dawn. Mặc khác, ông cũng là người quan trọng của hội kín  Ordo Templi Orientis hay được biết dưới tên O.T.O, một hội kín có tư tưởng song song giữa hội Tam Điểm và Giáo Hội. Người ta cũng thường nhắc đến tổ chức Ecclesia Gnostica Catholica (EGC) hay Gnostic Catholic Church trong ảnh hưởng của ông. Các ảnh hưởng từ kinh điển Hebrew cũng có mặt trong bộ bài này. Chưa thấy tài liệu này công bố ông là người của hội Tam Điểm. Tuy nhiên mối quan hệ của ông với hội này là quá rõ ràng đến mức người ta mặc nhiên ông là người của hội.

Bộ B.O.T.A. Tarot hay Paul Foster Tarot : do nhà huyền học Paul Foster Case đề xướng và được thực hiện bởi Jessie Burns Parke. Bộ này lấy ảnh hưởng từ khái niệm và sơ đồ "Cube of Space" trong Kabala ( Hermetic Kabbalah ) thông qua các mối liên hệ chữ cái Hebrew. Ông cũng là người sáng lập ra viện  Builders of the Adytum (B.O.T.A) chuyên nghiên cứu về thần học và rất có uy tín ở Hoa Kỳ. Viện này có mối quan hệ mật thiết với cả hội kín Hermetic Order of the Golden Dawn  và tổ chứ Masonic blue lodge system thuộc hội Tam Điểm. Tuy cùng lấy quan đểm Kabala làm nền tảng, nhưng bộ này lấy các biểu tượng thiên văn, hoàng đạo, các phép ẩn dụ về màu và số học nên thường được cho là khó hiểu rườm rà.

Bộ Tarot de Wirth : bộ này do Joseph Paul Oswald Wirth đề xướng. Ông là thành viên của Mật Hội Thập Tự Hoa Hồng (Rose-Croix), một hội kín tà giáo xuất hiện cổ xưa và thường đôi khi được cho là chống giáo hội. Bộ bài này cũng xây dựng từ quy cách Kabala nhưng đậm đặc tính chất biểu tượng của thập tự hoa hồng. Ông cũng là thành viên của Hội Tam Điểm Pháp.

Bộ Etteilla Tarot: bộ này do Etteilla đề xuất vào thời kỳ trước cả Golden Dawn, và cũng không thuộc nhóm huyền học Golden Dawn, tuy nhiên nguyên lý của nó cũng có thể xếp vào nhóm huyền học đặc trưng.

Nhóm Tarot Modern:

Bộ Hermetic Tarot: bộ này là một tập hợp các bộ Tarot khác của các hội kín sau thời kỳ Golden Dawn. Phần nhiều được xây dựng vào thế kỷ 20. Nó được xây dựng dựa trên việc gắng kết các khái niệm cổ vào ngành tâm lý học. Nó có cách xây dựng gần với Mythic Tarot, tuy nhiên với các khái niệm khác hoàn toàn. Một điển hình của bộ này là bộ Tarot ReVisioned do Leigh J. McCloskey đề xướng.

Bộ JunglianTarot: bộ bắt đầu từ việc sử dụng các biểu tượng thần thoại như Hi Lạp (Greek Mythology) và Tâm lý học Jung (Jungian Psychology) đề xướng bởi 2 nhà tâm linh Liz Greene và Juliet Sharman-Burke. Bộ này gắng kết các khái niệm cổ Hi Lạp và khái niệm Tâm lý, đồng thời sử dụng nhiều biểu tượng trong ngành y khoa, đặc biệt là các biểu tượng được nhà tâm lý học, bác sĩ tinh thần Dr.Carl Jung. Bộ này cũng được xem là khó hiểu và mơ hồ vì nó gắng kết 2 văn hóa Hi Lạp và Tarot vốn không cùng một hệ văn hóa. Tôi cũng nhóm các bộ tarot mang tính ảo giác vào nhóm này.

Bộ Universal Waite Tarot: bộ này là một tập hợp các bộ Tarot theo trường phái Waite. Các bộ này hoặc xây dựng lại từ bộ Waite Tarot, hoặc thay thế vài điểm mà người ta cho là vô lý hay lầm lẫn về mặt huyền học. Số lượng của bộ này vô cùng to lớn và ngày càng phình to. Tôi cũng nhóm các bộ sử dụng nguyên lý Tarot và biến đổi về mặt hình ảnh vào trong nhóm này.

Bộ Hỗn Hợp :  Sự kết hợp của Universal Waite Tarot và tâm lý học Jung của Mythic tarot là nền tảng của các bộ tarot sau này. Vì vậy, khó phân biệt giữa 2 hệ tarot lớn này. 90% bộ tarot lưu hành trên thị trường là thuộc nhóm hỗn hợp này. Nhóm này là sự xây dựng các bộ Tarot từ các nguồn văn hóa khác nhau: trung quốc, nhật bản, truyện tranh, cổ tích ... và game. Đôi khi nó được dùng với các mục đích giáo dục và giải trí hơn là bói toán.

Phillippe NGO, tác giả trang Tarot Huyền Bí, một nhà nghiên cứu Tarot tại Pháp.

DMCA.com Protection Status
Bài viết "Phân Loại Tarot Trong Lịch Sử" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ